Đăng bởi Lê Văn Luông | 15:08 | 18/11/2020
Huyện Cần Đước đang thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững, gắn với việc chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định.
Được sự quan tâm chỉ đạo, bố trí vốn của UBND tỉnh Long An, Tổng Công ty Điện lực miền Nam, trong năm 2019 Điện lực Cần Đước đã triển khai thực hiện đầu tư hệ thống lưới điện và trạm biến áp phục vụ đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xã Long Khê, Long Trạch và Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An với khối lượng 5,06 km đường dây trung áp; 6,85 km đường dây hạ thế; 12 trạm biến áp công suất 725 kVA; tổng mức đầu tư là 7,43 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu tưới tiêu và cấp điện 2 trạm bơm phục vụ trồng rau sạch trên địa bàn.
Đến tháng 9/2020 Điện lực Cần Đước tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng mới 4,43 km đường dây trung áp; 9.56 km đường dây hạ áp; 14 trạm biến áp với công suất 650 kVA trên địa bàn các xã: Long Hòa, Long Khê, Long Trạch và Phước Vân - huyện Cần Đước với tổng mức đầu tư khoảng 7,2 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư của Tông Công ty Điện lực Miền Nam, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện để bơm nước tưới rau công nghệ cao dự kiến thêm khoảng 526 hecta.
Thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Cần Đước triển khai mô hình trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao tập trung tại các xã: Phước Vân, Long Hòa, Long Khê và Long Trạch, đồng thời tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và người dân trong vùng quy hoạch về mô hình này.
Như vậy, sau khi được quan tâm đầu tư xây dựng lưới điện, các trạm bơm điện phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn huyện khoảng 495 hecta, với sản lượng khoảng 28.600 tấn/ năm. Ngoài ra, ngành chuyên môn huyện Cần Đước phối hợp chặt chẽ với các ngành tỉnh liên quan, tiếp tục tập trung hỗ trợ HTX, củng cố, nâng chất lượng hoạt động các HTX, doanh nghiệp đã hỗ trợ mở rộng diện tích VietGAP, có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các Tổ hợp tác, HTX hoạt động có hiệu quả, Hỗ trợ HTX, doanh nghiệp công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và đăng ký chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến về giống cây trồng chất lượng cao. Cùng với đó, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tập trung quy hoạch phát triển vùng trồng rau ứng dụng công nghệ cao.
Huyện Cần Đước tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất vùng rau; đồng thời, nạo vét kênh, mương, liên kết các huyện lân cận để điều tiết nước hợp lý, xây dựng các trạm bơm, nâng cấp các hệ thống điện, tiếp tục tăng cường chuyển giao khoa học – kỹ thuật như trồng rau nhà màng với công nghệ phun tưới tự đông, phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng hợp tác xã đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP,… từng bước nâng cao sản lượng, chất lượng, hướng đến nền nông nghiệp an toàn, bền vững./.
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng