Đăng bởi Nguyễn Trần Lâm | 16:25 | 22/10/2020
Cùng với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước, nhu cầu sử dụng điện của các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngày càng tăng cao trong khi khả năng cung ứng của ngành điện lại có giới hạn, các nguồn năng lượng hóa thạch (than đá, dầu mỏ…) lại đang dần cạn kiệt, giá thành cao, nguồn cung không ổn định, gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, việc tìm ra nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để thay thế nguồn năng lượng truyền thống trên sớm được Chính phủ quan tâm, trong đó có năng lượng mặt trời.
Để chủ động ứng phó và đề ra nhiều chủ trương khuyến khích phát triển bền vững nguồn năng xanh, năng lượng tái tạo, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam” ra đời đã tạo cú huých đột phá trong việc tìm nguồn năng lượng tái tạo khác thay thế nguồn năng lượng truyền thống.
Ngay từ khi cơ chế khuyến khích phát triển Điện mặt trời của Chính phủ ra đời, lãnh đạo Công ty Điện lực Long An đã kịp thời chỉ đạo, triển khai thống nhất các giải pháp đến các Điện lực trực thuộc, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư được sớm đưa hệ thống Điện mặt trời vào hòa lưới, cùng với lợi thế về bức xạ mặt trời, đến nay Công ty Điện lực Long An đã trở thành tâm điểm cho việc phát triển năng lượng mặt trời trong khu vực, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà.
Năm 2017, Bộ Công thương đã cụ thể hóa cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời của Chính phủ bằng Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12 tháng 9 năm 2017 Quy định về Phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời, kết quả năm 2018, Công ty Điện lực Long An đã hòa lưới 32 dự án, tổng công suất 1,43 MWp, đến năm 2019 đã tăng lên 530 khách hàng hòa lưới với tổng công suất 13,38 MWp. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2020 về Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó quy định chi tiết về các loại hình Điện mặt trời và biểu giá mua điện của từng loại hình, Quyết định này tiếp tục tạo nên đòn bẫy cực mạnh để nhà đầu tư an tâm đầu tư vào lĩnh vực Điện mặt trời, đến cuối tháng 9/2020 đã có 1.182 dự án đã hòa lưới, tổng công suất lên đến 61,33 MWp, tăng gấp 4 lần so với cả năm 2019. Ngoài ra, Công ty cũng đã thỏa thuận đấu nối cho 72 dự án với tổng công suất 62,26 MWp và 85 dự án đang chuẩn bị thỏa thuận đấu nối, tổng công suất tương đương 65,11 MWp. Tốc độ đầu tư vào lĩnh vực này các tháng cuối năm 2020 đang tăng cao do chính sách ưu đãi về giá của Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Như vậy, dự kiến đến cuối năm 2020, toàn Công ty Điện lực Long An sẽ hòa lưới với tổng công suất lũy kế hơn 200 MWp (tăng hơn 150 MWp so với chỉ tiêu được Tổng công ty giao năm 2020 – 30 MWp), góp phần rất lớn trong giải tỏa công suất, giảm bớt áp lực cung cấp điện trên địa bàn quản lý, nhất là trong điều kiện nhiều trạm biến áp 110 kV trên địa bàn tỉnh có nguy cơ quá tải nhưng các trạm biến áp 110 kV xây dựng mới chưa thể hòa lưới theo kế hoạch.
Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong toàn Công ty, công tác phát triển Điện mặt trời tại Công ty Điện lực Long An đã đạt được kết quả to lớn, giúp các nhà đầu tư an tâm đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần rất lớn để Công ty đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, nâng cao chất lượng và uy tín trong cung cấp điện, cải thiện môi trường đầu tư của địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng